Tin tức & sự kiện

Chủ động nguyên liệu cho dầu cá Ranee

Thứ 4, 10/12/2014, 16:12 GMT+7

(AGO) - Trước nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng về sản phẩm dầu cá tốt cho sức khỏe, Tập đoàn Sao Mai An Giang (ASM) đang có kế hoạch mở rộng sản xuất mặt hàng này. Khi đó, khả năng nguồn cung mỡ cá tra của cả vùng ĐBSCL sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, ASM đang tăng tốc việc đầu tư mở rộng công nghệ sơ chế dầu cá nguyên liệu, mở rộng vùng nuôi cá tra phục vụ cho 2 nhà máy để đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu theo hướng khép kín.

 Người dùng phấn khởi

 Dù mới tung ra thị trường từ đầu tháng 10-2014, nhưng thương hiệu dầu cá cao cấp Ranee, một sản phẩm của Công ty Cổ phần Dầu cá Châu Á (AFO, thuộc Tập đoàn Sao Mai An Giang) đã nhanh chóng được các bà nội trợ săn đón. Chị Nguyễn Ngọc Thanh, ngụ khóm Bình Khánh 7 (phường Bình Khánh, TP Long Xuyên, An Giang), chia sẻ: “Trước đây, khi mua cá tra, cá hú, basa về ăn, tôi thường giữ lại phần mỡ bụng, thắng lấy dầu để ăn dần nhằm bổ sung omega tự nhiên. Ngoài ra, còn phải mua viên uống dầu cá cho cả nhà dùng. Tuy nhiên, mỡ cá thì không để được lâu, dễ bị đông cứng, lại còn có mùi tanh, viên dầu cá uống vào ợ mùi tanh dùng nhiều rất ngán".

 "Từ khi biết dầu cá cao cấp Ranee có mặt trên thị trường, tôi mua về sử dụng liên tục. Sản phẩm này chẳng những có đủ thành phần acid béo omega-3, 6, 9, DHA, EPA, cùng một số dưỡng chất tốt cho sức khỏe mà còn có màu sắc đẹp, khử được mùi tanh, khi chiên xào không bị khét. Đối với dầu trộn, khi dùng chung với rau sống ăn rất ngon. Thấy sản phẩm được Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyên dùng, tôi hoàn toàn yên tâm sử dụng thay thế cho dầu thực vật, mỡ cá và viên uống dầu cá trước đây. Có thể nói, thương hiệu dầu cá cao cấp Ranee là một kênh dầu ăn vừa bổ dưỡng, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là một thương hiệu dầu ăn mà cả gia đình tôi rất ưa thích”, chị Thanh nói.

 Nhiều bà nội trợ khác cũng có suy nghĩ như chị Thanh nên dầu cá cao cấp Ranee nhanh chóng tìm được chỗ đứng trên thị trường. Không những có mặt trong các siêu thị lớn, sản phẩm này còn len lỏi vào các đại lý nhỏ, chợ truyền thống để người tiêu dùng dễ tiếp cận. Chị Hà Tú Anh, ngụ xã Bình Thành (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), nơi Công ty AFO đang hoạt động, phấn khởi: “Tôi thấy tự hào khi ngay tại quê hương mình có sản phẩm dầu cá độc đáo. Đây là sự sáng tạo của trí tuệ Việt. Dùng dầu cá Ranee vừa tốt cho sức khỏe, vừa hợp túi tiền, cũng là cách ủng hộ cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thiết thực nhất”.

 Dau-ca-1-1.jpg

Tập đoàn Sao Mai quyết tâm mở rộng sản xuất dầu cá cao cấp Ranee

 Mở rộng sản xuất

 Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai An Giang, cho biết, nhà máy tinh luyện dầu cá đặt tại Cụm công nghiệp Vàm Cống (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) hiện có công suất thiết kế 200 tấn/ngày. Đây là nhà máy tinh luyện mỡ cá thành dầu cá để được đưa vào bếp ăn gia đình đầu tiên trên thế giới, do một tập đoàn có uy tín của Châu Âu lắp đặt và chuyển giao công nghệ độc quyền. Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, ASM sẽ xây dựng thêm nhà máy tinh luyện dầu cá thứ 2 với công suất tương đương nhà máy 1.

 “Trước đây, mỡ cá tra thô thường dùng để sản xuất dầu bio-diesel hoặc xuất khẩu với giá rẻ bèo, gây lãng phí rất lớn tài nguyên quốc gia vì mỡ cá chứa nhiều thành phần dinh dưỡng quý hiếm. Khi mỡ cá được tinh luyện thành dầu cá, giá trị nâng lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, khi cả 2 nhà máy dầu cá của ASM cùng hoạt động, khả năng vùng nuôi cá tra hiện tại của ĐBSCL sẽ không đáp ứng đủ nguyên liệu mỡ cá” – ông Thuấn chia sẻ.

 Theo tính toán của Chủ tịch ASM, sản lượng mỡ cá tra thô của cả vùng ĐBSCL hiện nay khoảng 140.000 tấn/năm. Trong đó, 50% được dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu sang thị trường truyền thống (chủ yếu là Trung Quốc), còn lại khoảng 70.000 tấn trong khi nhu cầu 2 nhà máy của Sao Mai lên đến 72.000 tấn/năm.

 Dau-ca-2.jpg

Sản phẩm dầu cá Ranee được nhiều người lựa chọn

 Để giải quyết bài toán này, ASM đang có kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu nuôi cá tra, xây dựng thêm nhà máy chế biến thủy sản , nhà máy sơ chế mỡ cá, cùng với nhà máy thức ăn thủy sản. “Chúng tôi có lợi thế là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 cả nước. Năm 2013, xuất khẩu thủy sản của công ty đạt 80 triệu USD, dự kiến năm 2014 có thể đạt 120 triệu USD. Với việc đưa vào vận hành nhà máy thức ăn thủy sản với công suất 200 tấn/ngày, chúng tôi sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí so với số tiền cả ngàn tỷ đồng bỏ ra để mua thức ăn thủy sản hàng năm. Ngoài ra, còn giúp khép kín được quy trình nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Đây là cơ sở để Sao Mai tự tin mở rộng nhà máy sản xuất, vùng nguyên liệu nuôi cá tra phục vụ xuất khẩu. Qua đó, tạo ra nguồn nguyên liệu mỡ cá ổn định, đạt chất lượng phục vụ cho các nhà máy tinh luyện dầu cá cao cấp Ranee. Bằng cách làm này, dù nghề nuôi cá vùng ĐBSCL có trồi sụt thất thường, chúng tôi vẫn yên tâm với kế hoạch của mình” – KS Lê Thanh Thuấn nhấn mạnh.

Ý kiến bạn đọc